logo

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO CƠ ĐIỆN HTS

Học thiết kế HVAC bằng Autocad hay Revit? Cái nào phù hợp?

Một số bạn sinh viên mới ra trường và nhất là các bạn sinh viên năm cuối thường hay hỏi anh về việc học thiết kế và đặc biệt không biết học trên revit hay autocad.

Để góp phần giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về điều này anh sẽ phân tích các điểm chính sau đây

1. Định hướng rõ mục tiêu nghề nghiệp

Chúng ta phải xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp để phấn đấu.

Nếu như mục tiêu các bạn là trở thành họa viên thì các bạn phải có kỹ năng vẽ revit/ hoặc phần mềm tương tự ở mọi bộ môn MEPF chứ không chỉ riêng HVAC.

Còn để đặt mục tiêu cao hơn trở thành BIM Coordinator thì các bạn nên đi sâu về các phần mềm hơn nữa, bên cạnh đó cần có kiến thức và kinh nghiệm thực tế đáp ứng công việc.

Nếu để trở thành một kỹ sư thiết kế tốt thì các bạn cần phải hội tụ đủ các khả năng như:

  • Hiểu nguyên lý các hệ thống HVAC (đây là kiến thức yêu cầu tối thiểu mà mục tiêu nào cũng đều phải biết)
  • Lên phương án thiết kế, giải pháp thiết kế tối ưu.
  • Lập bảng tính, sơ đồ nguyên lý tối ưu, phân tích thông số tính toán.
  • Phân tích áp dụng tốt tiêu chuẩn thiết kế trong nước và quốc tế, đọc hiểu handbook, guideline, catalogue kỹ thuật.
  • Sử dụng các phần mềm chuyên ngành như tính tải, tổn thất áp, chọn thiết bị (chiller, cooling tower, AHU, quạt, bơm…)
  • Kỹ năng sử dụng tiếng anh
  • Kỹ năng vẽ và thể hiện bản vẽ (hiện nay thường dùng cad hoặc revit)
  • Kinh nghiệm thiết kế va chạm từ nhiều dạng dự án khác nhau.

2. Lên kế hoạch phấn đấu học tập rõ ràng và trình tự

Như phân tích ở trên, về thiết kế, ta thấy việc sử dụng revit hay cad chỉ là một nội dung trong nhiều nội dung quan trọng khác mà chúng ta cần phải biết.

Với các nội dung kiến thức trên thì thời lượng 3,5 tháng học trên lớp các bạn chỉ luyện vẽ revit hay phải vừa luyện vẽ vừa học thiết kế?

Bằng kinh nghiệm nhiều năm dạy học và đào tạo nhân viên thiết kế thì với thời lượng 3,5 tháng các bạn chỉ có thể học thiết kế và kèm vẽ cad để thể hiện ý tưởng.

Sau khi có khả năng thiết kế thì việc học revit để đáp ứng công việc và bắt kịp xu thế là điều tất nhiên.

Do đó, tại một thời điểm chúng ta nên tập trung tiếp thu tốt nhất một thứ rồi sau đó đến cái khác sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Biết thiết kế thì cần phải biết vẽ nhưng biết vẽ tốt không có gì nói lên được bạn biết thiết kế huống chi thiết kế tốt.

Một thực tế cho thấy các công ty có thể tuyển dụng một kỹ sư về ngồi vẽ như họa viên nhưng không thể tuyển một họa viên về ngồi thiết kế tốt như một kỹ sư (họa viên muốn thiết kế được thì phải học nghiêm túc, siêng năng)

Do đó chúng ta nên xác định việc học thiết kế là để trang bị cho bản thân kiến thức và nâng cấp bản thân cho mọi công việc hoặc chí ít sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc như đúng những gì chúng ta được đào tạo suốt hơn 4 năm qua.

3. Nắm bắt thị trường nhu cầu tuyển dụng

Muốn có định hướng và kế hoạch tốt chúng ta cũng nên hiểu biết về thị trường tuyển dụng việc làm trong lĩnh vực của mình.

Trong vài năm gần đây revit phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và sẽ (đang) thay thế dần Autocad trong tương lai. Chúng trở nên vượt trội không chỉ là dựng mô hình, quản lý dữ liệu mà còn thành công trong việc tạo ra hệ sinh thái với nhiều phần mềm vệ tinh hỗ trợ xung quanh .

Nhưng thực tế chúng ta phải nhìn nhận rằng, vậy tương lai là khi nào trong khi hiện tại công việc bên ngoài vẫn chủ yếu dùng cad và cả revit trong công việc.

Chúng ta cần phải cập nhật đủ các kỹ năng vẽ đó để đáp ứng yêu cầu công việc chứ không chỉ thiên về một cái nào cả vì học để kiếm sống cả hiện tại và tương lai chứ không phải học chỉ để cho tương lai.

Ngày nay các công ty lĩnh vực M-E nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam ngày một tăng, từ đó mang lại nhiều cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc có nhiều chế độ tốt cho các kỹ sư trẻ dễ dàng tiếp cận học hỏi và ổn định. Điều đó là một ưu điểm lớn mà các bạn kỹ sư thế hệ trước ít có cơ hội, nhưng bù lại các kỹ sư thế hệ trước có được rất nhiều kinh nghiệm và áp dụng phần lớn chuyên môn vào công việc.

Mặt hạn chế đó là do nhu cầu thị trường vẽ 3D từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam khiến đa phần các bạn kỹ sư hiện nay ra trường đều tập trung nhiều vào kỹ năng vẽ 3D hơn là các kinh nghiệm thực tế như thiết kế, giám sát, thi công như trước đây.

Và rõ ràng nếu bạn chỉ vẽ vài năm mà không giám sát, thiết kế thì bạn sẽ không thể làm được khi bạn muốn và bạn rất ngại bỏ việc ngồi vẽ ổn định mà ra ngoài chịu cực khổ để lấy kinh nghiệm.

Đồng thời nếu bạn vừa nghiên cứu vẽ, vừa nghiên cứu thiết kế cùng lúc thì việc đúc kết kinh nghiệm trở thành BIM Coordinator và cả thiết kế của bạn cũng sẽ chậm hơn nhiều và khó chuyên sâu. Đó là lý do các công ty lớn hiện nay thường chia ra 2 team thiết kế và dựng mô hình riêng để chạy dự án.

Việt Nam với nhân công giá rẻ hơn nhiều so với các nước phát triển đó là một phần lý do các công ty nước ngoài vào Việt Nam hoạt động bởi vì việc dựng model ở Việt Nam có thể tuyển nhiều kỹ sư vào làm nhưng ở nước họ thì đa phần chỉ là họa viên, trong khi chi phí lại cao hơn nhiều.

Chính vì điều đó mà Việt Nam hiện tại dần giống như “xưởng gia công của thế giới” thu hút các công ty nước ngoài về kỹ thuật vào đầu tư hoạt động mà những người thợ vẽ lại không ai khác chính là kỹ sư trẻ với trình độ đại học.

4. Kết luận

Qua các nội dung chia sẻ trên, anh hy vọng có thể giúp các bạn có cái nhìn khách quan hơn từ đó định hướng phát triển nghề nghiệp bản thân rõ ràng.

Nếu cái gì các bạn cũng muốn gộp vào cùng một lúc mà khả năng con người thì có hạn không thể làm tốt mọi việc cùng một lúc thì chúng ta nên tiếp thu một cách có chọn lọc và đúng nhu cầu, đúng thời điểm.

Trở lại câu hỏi tiêu đề anh muốn truyền tải đến các bạn cái nhìn cụ thể để hiểu rõ các giá trị thiết kế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm còn việc các bạn ứng dụng trên cad hay revit đều được cả và không còn đặt nặng vấn đề.

Bởi vì phần mềm có thể đổi từ phần mềm cũ sang phần mềm khác hiện đại hơn. Ví dụ như trước đây là vẽ tay, rồi cad hiện nay là revit và còn tương lai là gì không ai biết. Nhưng kiến thức thiết kế thì không bao giờ đổi mà nó chỉ có cập nhật bổ sung thêm và để trở thành người thiết kế giỏi chúng ta phải biết công nghệ từ cũ lẫn mới để đáp ứng cho nhiều dạng công việc khác nhau như thiết kế cải tạo, thiết kế mới, thiết kế theo từng điều kiện dự án cụ thể.

Về nhận xét từ kinh nghiệm cá nhân, anh thấy rằng dù các bạn làm về vẽ, giám sát, bảo trì hay kinh doanh… thì kiến thức thiết kế là cái luôn cần thiết không nên bỏ qua trong hành trình phát triển sự nghiệp bản thân.

Sau tất cả những chia sẻ trên các em hãy tự mình trả lời câu hỏi của bản thân là: “Mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì”

Sau khi trả lời được thì anh tin chắc rằng các bạn đã biết mình cần theo đuổi cái gì và có kế hoạch cho việc theo đuổi từng cái cụ thể hơn.

Chúc các bạn học tốt và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp!

Nguồn: Kỹ Sư Vương Cam

Chia sẻ:
Map