Đọng sương là gì?
Đọng sương là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ chênh lệch giữa bề mặt vật chất có nhiệt độ thấp với không gian có nhiệt độ cao hơn đạt tới điểm sương, được xác định dựa vào các thông số trên đồ thị không khí ẩm.
Trong lĩnh vực điều hòa không khí và thông gió thì vấn đề đọng sương và cách khắc phục luôn là chủ đề được chia sẻ và quan tâm nhiều nhất.
Việc đọng sương không những gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến kiến trúc công trình như thấm nước làm mục trần thạch cao trang trí, chạm chập các thiết bị điện và hư hỏng nội thất bên dưới.
Nguyên nhân và cách khắc phục đọng sương đã được thảo luận rất nhiều trên các diễn đàn cơ điện. Thay vì xử lý khắc phục khi hệ thống đã đọng sương sẽ gây ảnh hưởng không ít đến trần và tốn nhiều công sức. Trong bài viết này tôi muốn chia sẻ đến mọi người các nguyên nhân, qua đó có thể hạn chế hiện tượng đọng sương từ thiết kế ban đầu.
Các nguyên nhân gây đọng sương có thể xảy ra
1. Đọng sương do thiết bị
- Van tiết lưu tại FCU bị tắc hoặc nghẹt do dơ bẩn.
- Quạt dàn lạnh bị yếu không đảm bảo lưu lượng gió qua coil lạnh.
- Bơm nước xả trang bị ở một số kiểu dàn lạnh bị hỏng.
2. Đọng sương do thi công
- Thi công đường nước xả không đảm bảo độ dốc hoặc bị dốc ngược về dàn lạnh.
- Bọc cách nhiệt không đủ bị hở hoặc thiếu tại đường ống, box miệng gió, thiết bị…
- Thi công gấp khúc đường ống gió mềm hoặc làm rách đường ống gió mềm trong trần khi thi công.
3. Đọng sương do vận hành sử dụng
- Phin lọc hoặc coil dàn lạnh quá dơ ít được vệ sinh.
- Không gian điều hòa bị gia tăng độ ẩm và thiếu lạnh do mở cửa nhiều hoặc bị thông với không gian ngoài trời.
4. Đọng sương do thiết kế và cách phòng tránh
- Thiết kế ống gió cứng hoặc ống gió mềm dài, vượt quá cột áp tĩnh của quạt dàn lạnh nhiều.
- Khi thiết kế đường ống dẫn gió cần chú ý cột áp tĩnh ngoài của FCU/AHU và tính toán để đảm bảo không thiếu áp.
- Thiết kế đường nước xả máy lạnh quá xa không đảm bảo độ dốc thoát nước.
- Xác định các điểm xả nước dàn lạnh đảm bảo không quá xa, độ đốc từ 1-2%.Tuy nhiên cần chú ý hơn ở các thiết bị không có bơm nước xả mà dùng máng chứa để xả nước vì độ dốc bị hạn chế hơn kiểu máy có bơm nước xả. Bên cạnh đó không nên nối ống xả máy lạnh vào ống thoát nước mưa của công trình để đảm bảo kỹ thuật.
- Tính toán thiết kế kích thước ống gió không phù hợp dẫn đến vận tốc gió quá cao hoặc quá thấp trên đường ống và tại miệng gió.
- Cần phải tính toán kích thước đường ống phù hợp đảm bảo kỹ thuật, nhất là ống gió lạnh tránh trường hợp đọng sương. Thông thường nên chọn tổn thất 1 Pa/m cho đường ống và vận tốc 2 đến 2.5m/s cho miệng gió.
5. Đọng sương do bố trí miệng gió cấp lạnh không phù hợp
Khi thiết kế bố trí miệng gió cấp cần chú ý tránh đặt quá gần cửa kiếng hoặc vách kiếng giáp trực tiếp với ánh nắng bên ngoài sẽ gây chênh lệch nhiệt độ lớn dễ đọng sương.
6. Đọng sương do cách nhiệt cho ống gió, miệng gió lạnh không đảm bảo kỹ thuật
- Khi cách nhiệt ống gió, miệng gió lạnh cần kiểm tra tính toán cẩn thận tránh đọng sương. Phải kiểm tra đặc tính kỹ thuật của cách nhiệt như độ dày, tỷ trọng, hệ số dẫn nhiệt…
- Cần chú ý không gian lắp đặt như ngoài trời/ trong nhà/ trong không gian điều hòa sẽ có độ dày cách nhiệt khác nhau.
7. Đọng sương do thiết kế thiếu tải lạnh cho không gian điều hòa
- Thiếu tải là một trong những nguyên nhân thường xuyên gây đọng sương khi sử dụng các miệng gió phân phối lạnh. Do nhiệt độ miệng gió thường từ 12.5 ºC đến 14 ºC nên sau thời gian khởi động mà nhiệt độ phòng không giảm được sẽ gây tình trạng đọng sương tại miệng gió. Để khắc phục cần xác định không gian tính tải phù hợp, đối với các không gian đặc biệt không nên tính kinh nghiệm mà phải tính toán cẩn thận hoặc dùng phần mềm chuyên ngành như Heatload Daikin/ HAP/ Trace700 để xác định.
- Thiết kế bẫy nước tại các dàn lạnh có cột áp quạt lớn không đảm bảo kỹ thuật dẫn đến nước xả bị quạt dàn lạnh cuốn theo khi vận hành.
- Hiện tượng này thường xảy ra ở các thiết bị bay hơi có cột áp quạt lớn như AHU. Do đó phải tính đường bẫy xả nước có chênh lệch độ cao lớn hơn áp lực thổi của quạt ngăn nước xả bị cuốn theo.